Ngôn ngữ

Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý hoàn tất việc xử lý môi trường ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất còn sót lại ở sân bay sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi hoàn thành đánh giá môi trường tại sân bay Đà Nẵng nhằm ước tính mức độ ô nhiễm dioxin, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam (BQP) thực hiện một dự án chung để xử lý ô nhiễm dioxin nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng xung quanh, đồng thời phát triển năng lực cho phía Việt Nam để có thể thực hiện các hoạt động đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường.

QUÁ TRÌNH XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG

Dự án Xử lý Môi trường tại sân bay Đà Nẵng áp dụng cả hai phương pháp xử lý là khử hấp thu nhiệt và lưu chứa. Công nghệ khử hấp thu nhiệt gồm 3 bước chính: xây dựng kết cấu mố kín, nổi trên mặt đất; đào đất, bùn nhiễm dioxin và đưa vào mố; và nung nóng bùn đất tới nhiệt độ cao (tối thiểu 335ºC) để tiêu hủy dioxin. Sau xử lý, đất và bùn này được các chuyên gia của USAID và BQP xét nghiệm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xử lý được Chính phủ Việt Nam chấp thuận. Sau đó, bùn đất đã qua xử lý được làm nguội, chuyển ra khỏi mố và được sử dụng làm đất san lấp phục vụ cho việc mở rộng sân bay Đà Nẵng đang được thực hiện. Ngoài quá trình xử lý khử hấp thu nhiệt, USAID và BQP cũng đã hoàn thành việc chôn lấp an toàn khoảng 50.000 mét khối bùn ô nhiễm dioxin ở nồng độ thấp trong bãi chôn lấp được phủ các lớp màng kỹ thuật và đất sạch trong khu vực sân bay. USAID, BQP và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã thống nhất rằng lưu chứa khối lượng bùn này là biện pháp phù hợp để ngăn chặn tác động lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường.

ĐẢM BẢO VẤN ĐỀ SỨC KHỎE VÀ AN TOÀN

Tất cả các hoạt động xử lý được thực hiện hoàn toàn trong phạm vi khu vực quân sự của sân bay Đà Nẵng. Dự án thực hiện các biện pháp để đảm bảo đất, bùn, bụi và nước thải sẽ không phát tán ra bên ngoài công trường dự án. Các nhà thầu của dự án cũng tuân thủ các thông lệ quốc tế về làm việc an toàn trong những khu vực xử lý chất độc hại bao gồm giám sát công nhân và tập huấn về sức khỏe và an toàn. Dự án đã đạt được mốc một triệu giờ làm việc không có tai nạn thông qua hơn 20.000 giờ tập huấn cho công nhân, xây dựng năng lực cho các cơ quan trong nước để triển khai những hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai.

KẾT QUẢ

Tháng 5/2015, USAID và BQP đã khẳng định kết quả xử lý thành công khoảng 45.000 mét khối bùn đất nhiễm dioxin. Giai đoạn 2 và cũng là giai đoạn xử lý cuối cùng đã hoàn thành vào 6/2017 với thêm gần 50.000 mét khối bùn đất nhiễm dioxin được xử lý thành công. Ngày 7/11/2018, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng BQP Nguyễn Chí Vịnh đã công bố hoàn thành dự án và chính thức bàn giao 13,7 ha đất – phần đất thứ ba và là phần đất cuối cùng – cho hoạt động mở rộng sân bay.