Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, những bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh thương mại. Kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các bộ chức năng thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các loại kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam liên quan đến nhiều bộ, gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan hàng hóa, làm cho các nhà xuất nhập khẩu tốn thời gian và chi phí và làm ảnh hưởng nhiều nhất tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ được thực hiện trong 5 năm với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ là thành viên. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại.

TĂNG CƯỜNG PHỐI HP CÁC CƠ QUAN LIÊN BỘ

Chính phủ Việt Nam đã giao Tổng cục Hải quan (TCHQ) trực thuộc Bộ Tài chính điều phối các nỗ lực liên bộ với mục tiêu đơn giản hóa, hài hòa hóa và áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ sẽ hợp tác với TCHQ nâng cao vai trò và năng lực của Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia của Việt Nam (NTFC) và các tổ công tác của ủy ban này; đơn giản hóa các thủ tục thông quan hàng hóa (bao gồm cả thủ tục kiểm tra chuyên ngành) do các bộ và cơ quan khác thực hiện; và hài hòa hóa việc triển khai các cách tiếp cận quản lý rủi ro ở cấp trung ương và địa phương. Dự án cũng sẽ tập huấn cho cán bộ hải quan về quản lý rủi ro và thúc đẩy đối thoại giữa trung ương và địa phương cũng như đối thoại giữa TCHQ và cộng đồng doanh nghiệp về tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề hải quan.

KẾT QUẢ MONG ĐỢI

Thông qua hỗ trợ áp dụng cách tiếp cận dựa vào quản lý rủi ro đối với thông quan hàng hóa, USAID sẽ giúp Việt Nam xây dựng môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn, ổn định hơn cho các doanh nghiệp SME cũng như các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Thông qua phối hợp chặt chẽ với TCHQ và các cơ quan khác của Chính phủ Việt Nam, USAID mong muốn đạt được các kết quả như sau qua thực hiện 4 hợp phần của Dự án:

  • Các chính sách và thủ tục giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam được hài hòa hóa và đơn giản hóa;
  • Sự phối kết hợp giữa cấp trung ương và địa phương về chính sách tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được tăng cường;
  • Việc triển khai và phối hợp giữa ít nhất 5 địa phương cũng như hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan tại địa phương được tăng cường;
  • Quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp được cải thiện.