Ngôn ngữ

2023-2025 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: INTERNATIONAL DEVELOPMENT GROUP LLC | NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 3.250.000 ĐÔ LA

Trong hai thập kỷ qua, chương trình tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam mở cửa nền kinh tế và tăng trưởng thương mại đáng kể. Theo đó, thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng từ xấp xỉ 3 triệu đô la lên hơn 139 triệu đô la. Phát huy kết quả hỗ trợ này, thông qua Hoạt động Thương mại số Việt Nam, USAID sẽ hợp tác với Việt Nam nhằm khắc phục những khoảng trống về quy định và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế số đang tăng trưởng nhanh chóng và giúp Việt Nam giải phóng tiềm năng của thương mại số để trở thành một động lực chính cho sự tăng trưởng liên tục của đất nước. 

HỖ TRỢ THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH  VỚI SỰ THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN TỪ KHU VỰC TƯ NHÂN 

Hoạt động này hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các khung chính sách tạo thuận lợi cho thương mại số, trong đó tập trung hỗ trợ Bộ Công Thương tổ chức các buổi đối thoại công-tư nhằm đảm bảo công tác thực thi được triển khai có sự tham gia đóng góp ý kiến từ khu vực tư nhân. Các quy định đáp ứng đúng nhu cầu của khu vực tư nhân sẽ tháo gỡ những nút thắt trong thương mại mà các doanh nghiệp đang gặp phải và tăng cường minh bạch chính sách, qua đó giúp hình thành một ngành thương mại điện tử nơi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi.

TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN VÀO THƯƠNG MẠI SỐ 

Ngoài ra, hoạt động này khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại số bằng cách giới thiệu các mô hình kinh doanh mới và các thực tiễn tốt nhất, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cũng như tạo điều kiện kết nối xuyên biên giới giữa các doanh nghiệp thông qua nền tảng xúc tiến thương mại số DECOBIZ của Bộ Công Thương. Hoạt động này cũng hỗ trợ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và các nhóm vận động khác thúc đẩy thương mại số trên cả nước. Hoạt động được triển khai phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội doanh nghiệp với mục tiêu hướng đến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các cộng đồng thiểu số nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm mọi thành phần.

TÁC ĐỘNG

Thông qua hỗ trợ trong khuôn khổ Hoạt động này, Bộ Công Thương sẽ triển khai minh bạch các quy định về thương mại số và hướng dẫn liên quan có ý kiến đóng góp của khu vực tư nhân. Các hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm vận động khác sẽ ở vị thế tốt hơn để có thể tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên tham gia vào thương mại số. Ngoài ra, Hoạt động dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào nền tảng xúc tiến thương mại kỹ thuật số của Bộ Công Thương nhằm giúp các doanh nghiệp này có thể tăng trưởng nhanh chóng hơn so với việc kết nối thông qua các liên kết kinh doanh thông thường.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án triển khai tập trung ở cấp trung ương và ở một số tỉnh sẽ được lựa chọn sau.


Share This Page