Ngôn ngữ

USAID hợp tác với Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu bảo vệ môi trường đầy khát vọng của Việt Nam và hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, kiên cường, độc lập và thịnh vượng.

USAID hợp tác với Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu bảo vệ môi trường đầy khát vọng của Việt Nam và hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, kiên cường, độc lập và thịnh vượng. Hợp tác bao gồm hỗ trợ chuyển dịch sang ngành năng lượng sạch, tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn, thúc đẩy quản lý rừng bền vững, chống buôn bán động thực vật hoang dã trái pháp luật và huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương tham giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, quản lý chất thải và bảo tồn nguồn nước. Kể từ năm 2011, USAID đã cung cấp gần 245 triệu đô la cho các chương trình về năng lượng, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cùng tìm hiểu về các chương trình hợp tác của USAID với Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

1. Ô nhiễm nhựa:

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Theo báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam xả thải ra môi trường khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa. Báo cáo tương tự cho thấy phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị tái chế, chiếm 60% tổng số những người làm nghề thu gom ve chai, góp phần xử lý gần 70% rác thải có thể tái chế ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. USAID hỗ trợ những phụ nữ này bằng cách kết nối các hộ gia đình với người thu mua ve chai thông qua ứng dụng VECA cải tiến trên điện thoại. Ứng dụng VECA giúp đem lại lợi ích cho các bên liên quan, cụ thể là các hộ gia đình có thể dễ dàng lên lịch thu gom các vật liệu có thể tái chế của mình trong khi người đi thu gom có ​​thể thực hiện quy trình thu gom một cách an toàn, qua đó mang lại thu nhập cao hơn và tăng lượng rác thải được thu gom lên 20%. Điều này đang mang lại thu nhập bền vững đồng thời cải thiện hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong toàn bộ chuỗi giá trị tái chế.

Photo
VECA app

2. Bảo tồn đa dạng sinh học:

Việt Nam có 167 khu bảo tồn với diện tích hơn 54.000 dặm vuông. Với diện tích rộng lớn như vậy, công tác giám sát đa dạng sinh học và hoạt động đánh giá nhu cầu cũng như đánh giá tác động của công tác bảo tồn là một thách thức. Năm 2023, USAID hỗ trợ cuộc khảo sát bằng bẫy ảnh lớn nhất từng được thực hiện ở Đông Nam Á nhằm cải thiện công tác quản lý các khu bảo tồn, tăng hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã và cải thiện mức độ an toàn trong công việc của các kiểm lâm viên. Hơn 1.000 trạm bẫy ảnh đã được lắp đặt tại 21 khu bảo tồn, chụp hơn 1,7 triệu bức ảnh, trong đó có ảnh của những loài động vật mà con người hiếm khi nhìn thấy. Kết quả khảo sát cho thấy một số loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng vẫn còn có quần thể sống sót như Thỏ Trường Sơn, Mang Nhung Lớn và Cầy hương thuộc giống Owston. Đáng buồn thay, kết quả cũng chỉ ra rằng tại tất cả các địa điểm khảo sát này đã có sự suy giảm đa dạng sinh học, qua đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải duy trì đầu tư vào các nỗ lực bảo tồn và khởi động chương trình nhân giống cấp quốc gia để khôi phục các khu bảo tồn trên khắp cả nước.

Photo
wild animals

3. Biến đổi khí hậu:

Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo vệ cộng đồng ven biển trước triều cường do bão. Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này phải đối mặt với các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng hạn hán kéo dài và nhiệt độ môi trường tăng cao. Các tác động này gây ảnh hưởng tới cơ hội kinh tế của người dân sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dẫn tới tình trạng đánh bắt thủy hải sản và sử dụng nguồn nước không bền vững. USAID đang nỗ lực giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và các cộng đồng sinh sống ven biển thông qua tăng cường công tác quản lý nguồn lợi biển và phục hồi rừng ngập mặn.

Photo
Mekong delta

4. Năng lượng xanh:

Tại Việt Nam, xe máy được sử dụng phổ biến làm phương tiện di chuyển cá nhân cũng như phương tiện giao hàng. Bên cạnh đó, ngành năng lượng của Việt Nam chiếm hơn một nửa lượng khí thải của cả nước. Tăng cường sử dụng xe điện là một giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, giảm chi phí nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện tại, thị trường xe điện ở Việt Nam đang phát triển nhưng việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng đang cản trở mức độ sử dụng xe điện rộng rãi. Để gia tăng các lựa chọn sạc xe điện, các nhà phát triển năng lượng sạch cần đến đầu tư từ khu vực tư nhân. USAID đang cung cấp đào tạo cho các nhà phát triển năng lượng về cách sử dụng các công cụ tài chính xanh để huy động đầu tư vào năng lượng sạch. Với sự hỗ trợ của USAID, Công ty Xe điện thông minh Selex có trụ sở tại Hà Nội (một công ty chuyên sản xuất xe máy điện cho thị trường vận chuyển và giao hàng cá nhân) đã nhận được khoản đầu tư vốn cổ phần trị giá 4,2 triệu đô la để xây dựng mạng lưới trạm đổi pin sáng tạo. Pin của Selex có thể được sử dụng cho 70% thị trường xe máy điện hiện nay ở Việt Nam, giúp người sử dụng phương tiện quay trở lại công việc sau vài phút thay vì phải chờ sạc lâu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với dịch vụ giao hàng. Hỗ trợ của USAID đang huy động đầu tư tư nhân có ý nghĩa quan trọng cho các dự án năng lượng sạch, qua đó cho thấy những lộ trình khả thi với giá cả phải chăng và bền vững để ngành giao thông vận tải triển khai sử dụng xe điện trên toàn quốc.

Photo
Solex factory

5. Giáo dục môi trường:

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. USAID, thông qua khoản tài trợ trực tiếp đầu tiên cho một trường đại học công lập của Việt Nam, đang hợp tác với Đại học Cần Thơ, trường đại học hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, để thúc đẩy hoạt động giáo dục và hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hợp tác này đã hỗ trợ thành công 14 dự án xã hội do thanh niên dẫn dắt nhằm giải quyết các thách thức môi trường tại địa phương mà cộng đồng đang phải đối mặt trong các lĩnh vực: bảo tồn nguồn nước, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và quản lý chất thải. Thông qua các chương trình dạy và học mang tính đổi mới tại trường đại học, USAID đang góp phần phát triển một cộng đồng giảng viên và sinh viên tận tâm cống hiến cho công cuộc giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường và khí hậu trên cả 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Photo
EEP students

ABOUT THE AUTHOR: Benjamin Ilka is a storyteller and visual media specialist at USAID’s Mission in Vietnam.

Share This Page