Người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với những thách thức từ khoảng cách số và chênh lệch về chất lượng và chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm khác nhau đến các mối đe dọa về kinh tế do biến đổi khí hậu gây áp lực lên sinh kế truyền thống. Miền Nam là nơi sinh sống của 1/5 dân số Việt Nam và là thủ phủ về nông nghiệp cung cấp gần một nửa sản lượng lúa gạo và gần 3/4 sản phẩm trái cây, thủy hải sản trên cả nước. Tuy nhiên, khu vực này lại dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Người nông dân nơi đây phải đương đầu với những tác động như xâm nhập mặn và xói mòn đất. Mực nước biển dâng cao 1 mét theo kịch bản vào năm 2100 có thể nhấn chìm 40% diện tích ĐBSCL. Tương lai của khu vực ngày càng trở nên bất ổn hơn khi những người trẻ rời đi để tìm việc làm ở nơi khác. Nhằm giải quyết những thách thức này, USAID hợp tác với Việt Nam trong nhiều dự án toàn diện nhằm tăng cường sức chống chịu ở khu vực có vai trò quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương này.
BỀN VỮNG MÔI TRƯỜNG
Các hệ sinh thái tự nhiên của ĐBSCL, bao gồm rừng ngập mặn, rạn san hô và đất bãi bồi đều đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu rủi ro thiên tai, hỗ trợ sinh kế và cải thiện an ninh lương thực và an ninh nước. USAID hỗ trợ Việt Nam phục hồi đa dạng sinh học ven biển và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển, chẳng hạn như cá chẽm và cá hồng là các loài thủy sản có giá trị thương mại quan trọng. Nhằm giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu, USAID cung cấp hỗ trợ để cải thiện phương thức canh tác và tăng cường sinh kế. Nông nghiệp được xếp hạng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai của Việt Nam. USAID đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giảm lượng phát thải khí mê tan từ canh tác lúa và xây dựng các chính sách phát thải thấp, chống chịu khí hậu cho ngành nông nghiệp. USAID cũng hỗ trợ trao quyền cho thanh niên hành động giải quyết các thách thức môi trường của ĐBSCL thông qua quan hệ đối tác với Đại học Cần Thơ - trường đại học hàng đầu ở khu vực ĐBSCL. Các nỗ lực khác của USAID cũng góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có vấn nạn rác thải nhựa đại dương.
NĂNG LỰC CẠNH TRANH KINH TẾ
Việt Nam nhận ra rằng tương lai của quốc gia không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao cần thiết để dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 5% lực lượng lao động công nghệ thông tin (CNTT) của cả nước và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào CNTT đang thay đổi nhanh chóng. USAID hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua những nỗ lực mang tính phối hợp nhằm giải quyết khoảng cách số ở ĐBSCL. USAID đang hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động về kỹ năng số và huy động các nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, USAID hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua giới thiệu các thực hành và công nghệ kinh doanh mới. Ngoài ra, làn sóng di cư của lao động trẻ từ ĐBSCL đến các nơi khác ở Việt Nam có thể làm gia tăng nguy cơ nạn buôn người. USAID hỗ trợ đào tạo cán bộ các tỉnh ở ĐBSCL để giúp xác định và hỗ trợ những nạn nhân buôn người.
DÂN SỐ KHỎE MẠNH
Những năm gần đây cho thấy số ca mắc Lao và HIV ngày càng gia tăng, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế và xã hội của các cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh lao cao với tỷ lệ phát hiện ca bệnh cao nhất tập trung ở các tỉnh ĐBSCL. Dịch HIV vẫn tồn tại trong nhóm có nguy cơ cao nhất và ĐBSCL phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng về các bệnh mới nổi và các bệnh khác lây truyền từ động vật sang người. USAID hợp tác chặt chẽ với chính quyền các tỉnh ĐBSCL nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường hiệu quả trong công tác ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa về sức khỏe, đồng thời đảm bảo các điều kiện sức khỏe tốt hơn cho người dân. USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ xã hội và phục hồi chức năng thiết yếu cho người khuyết tật ở 02 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.