2023 - 2028 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: Winrock International | NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 48 triệu đô la
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 40.000 km2 và dân số khoảng 18 triệu người, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Đây là vựa lúa cung cấp khoảng một nửa tổng sản lượng lúa gạo cho cả nước và gần 3/4 các sản phẩm trái cây và thủy hải sản. Tuy nhiên, khu vực này phải đối mặt với vô số mối đe dọa do biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự án Nông nghiệp thích ứng khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long do USAID tài trợ sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước những chuyển dịch kinh tế và thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Để thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ hỗ trợ củng cố các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát thải khí mê-tan thấp để tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BĐKH CHO CÁC CỘNG ĐỒNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
Các tác động của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn do mực nước biển dâng và sụt lún đất đã và đang xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân nghèo, người dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long, những người có sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa, là những người dễ bị tổn thương nhất. Dự án hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng dễ bị tổn thương và các tổ chức phi chính phủ để tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các hoạt động như chuyển đổi mô hình sinh kế và cải thiện phương thức canh tác.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHỤC HỒI CÁC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN
Các hệ sinh thái tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm rừng ngập mặn, bãi bồi tự nhiên và rừng tràm, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu và chế độ thủy văn tại địa phương, bảo vệ đa dạng sinh học và các vùng ven biển cũng như hỗ trợ sinh kế của cộng đồng. Các đập và đê ở thượng nguồn, tình trạng khai thác cát và bơm hút nước ngầm quá mức đã gây gián đoạn đáng kể đối với chế độ dòng chảy của nguồn nước ngọt và suy thoái môi trường trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, dự án hợp tác với các đối tác như cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính phủ để tăng cường bảo tồn rừng ngập mặn, rừng trên cạn, đất ngập nước và rừng tràm còn lại, tái trồng rừng và khôi phục hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ từ hệ sinh thái.
GIẢM PHÁT THẢI KHÍ MÊ-TAN TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Chính phủ Việt Nam đã tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu nhằm giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Ngành sản xuất lúa gạo chiếm hơn 40% tổng lượng khí thải mê-tan của cả nước và có ý nghĩa quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải mê-tan. Dự án hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp sản xuất lúa gạo để thực hiện các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm giảm lượng khí thải mêtan ở các tỉnh được chọn tham gia dự án. Thông qua dự án, USAID dự kiến hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sang sử dụng phân bón ít phát thải khí nhà kính hơn và cải thiện các biện pháp quản lý nước và rơm rạ trên ruộng lúa.
TÁC ĐỘNG
Dự án sẽ giúp 1.500 cộng đồng dễ bị tổn thương ở Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ 400.000 người sử dụng thông tin về khí hậu để đưa ra quyết định kịp thời hoặc thực hiện các hành động giảm thiểu rủi ro. Theo ước tính, dự án sẽ hỗ trợ cải thiện công tác bảo tồn, phục hồi và quản lý 250.000 hecta hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, hơn 62.000 hecta đất sẽ được chuyển đổi sang sản xuất cây trồng bền vững và ít phát thải.
ĐỊA BÀN THỰC HIỆN
Dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh và thực hiện một phần hỗ trợ chính sách ở cấp trung ương.