2022 - 2025 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: ĐẠI HỌC CẦN THƠ | NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 249.500 ĐÔ LA
Việt Nam đang được xếp vào nhóm năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đến 20% dân số toàn quốc đang sinh sống, được xem là vùng chịu tác động nặng nề nhất. Thông qua việc tài trợ lần đầu tiên cho một trường công lập ở Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang thúc đẩy hợp tác với trường đại học hàng đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Đại học Cần Thơ trong lĩnh vực giáo dục và hành động ứng phó biến đổi khí hậu.
TRUYỀN CẢM HỨNG CHO THANH NIÊN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Thông qua Chương trình Giáo dục Môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long do USAID tài trợ, Viện DRAGON-Mekong (Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu) thuộc Trường Đại học Cần Thơ sẽ tổ chức hội thảo và các hoạt động tiếp cận có lồng ghép chuyên đề môi trường, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng mềm và năng lực cho đội ngũ thanh niên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường hiểu biết và thúc đẩy chung tay cùng khắc phục biến đổi khí hậu. Dự án không chỉ tập trung vào các vấn đề chung của ĐBSCL mà còn nhấn mạnh tới các vấn đề riêng biệt ở từng vùng sinh thái khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chuẩn bị, hành động ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học trong khu vực.
TÁC ĐỘNG
Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 300 thanh niên ở 13 tỉnh, thành phố tại khu vực ĐBSCL để chung tay hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường theo bối cảnh riêng của từng địa phương. Bên cạnh đó, hợp tác giữa USAID và Trường Đại học Cần Thơ cũng hướng tới việc củng cố vai trò tiên phong của trường trong việc xây dựng và phát triển ĐBSCL theo hướng do địa phương dẫn dắt.