Ngôn ngữ

2019 - 2024 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: TỔ CHỨC LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP CỦA LIÊN HỢP QUỐC (FAO) | NG N SÁCH DỰ TRÙ: 6.000.000 ĐÔ LA

Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang ngườI. Trong 10 năm qua, hơn 70 loại bệnh lây truyền từ động vật sang người đã được phát hiện ở Việt Nam và một số bệnh có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường gia cầm, gia súc và động vật hoang dã phát triển mạnh với các loài như dúi, lợn rừng, nhím và cầy hương được nuôi để tiêu thụ trong nước và quốc tế. Dự án Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe từ động vật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực phòng vệ trước các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng bắt nguồn từ động vật.

CẢI THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CÁC THỰC HÀNH VỀ AN NINH SINH HỌC TẠI TRANG TRẠI 

Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách và quy định dựa trên bằng chứng, trong đó khuyến khích áp dụng các biện pháp thú y cộng đồng tốt cho sức khỏe cũng như các thực hành an toàn sinh học (chẳng hạn như các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh môi trường) tại các trang trại gia cầm, chăn nuôi gia súc và gây nuôi động vật hoang dã cũng như tại các khu chợ. Dự án đã hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giảng viên và tài liệu đào tạo về an toàn sinh học và thực hành quản lý tốt cho các trang trại chăn nuôi gia cầm, cũng như xây dựng chương trình đào tạo giảng viên cốt cán toàn diện về thực hành quản lý động vật hiệu quả và an toàn sinh học cho các trang nuôi và nhân giống lợn quy mô vừa và nhỏ.

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ BÁO CÁO THÚ Y 

Dự án hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường giám sát sức khỏe động vật và quản lý dữ liệu thú y để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người hiệu quả hơn. Cụ thể là hỗ trợ chương trình quốc gia về giám sát bệnh cúm gia cầm nhằm tăng cường hoạt động thu thập, phân tích và phiên giải dữ liệu tại các chợ gia cầm sống ở gần một nửa số tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự án đã giúp Chính phủ Việt Nam thiết lập và triển khai hệ thống thông tin quốc gia để báo cáo và phân tích dữ liệu về các bệnh truyền nhiễm. Dự án cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để phát triển và thí điểm hệ thống quản lý dữ liệu cho các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã và trang trại chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam quản lý có hiệu quả hơn các vấn đề về kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh thông qua giám sát chủ động vật nuôi.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHẨN ĐOÁN 

Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán để giảm nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người và tình trạng kháng kháng sinh trong chuỗi chăn nuôi. Dự án cũng hỗ trợ tăng cường năng lực chẩn đoán thú y của các phòng thí nghiệm quốc gia và vùng/miền. Ngoài ra, với hỗ trợ của dự án, Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương và 7 cơ quan thú y cấp vùng hiện có thể thực hiện xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) đối với COVID-19 và các bệnh khác ở động vật, qua đó giúp ngăn ngừa và kiểm soát COVID-19 và các nguy cơ bùng dịch khác.

TẬP HUẤN CHO CÁC TRANG TRẠI VÀ CÁC CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 

Dự án cung cấp đào tạo cho lao động làm việc tại các trang trại chăn nuôi cũng như các cơ quan chính quyền tỉnh nhằm hỗ trợ tăng cường công tác quản lý. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ thiết lập các trang trại chăn nuôi lợn kiểu mẫu và tiến hành đào tạo tại các trang trại này cho các lao động trong ngành để tìm hiểu về các biện pháp tốt nhất về an toàn sinh học và quản lý chất thải trong trang trại. Dự án cũng hỗ trợ đào tạo cho chính quyền cấp tỉnh về thu thập tọa độ định vị của các trang trại gây nuôi động vật hoang dã bằng cách sử dụng thiết bị GPS, điện thoại thông minh và ứng dụng Google maps để cải thiện công tác giám sát và thực thi.

TÁC ĐỘNG

Dự án góp phần giảm thiểu nguy cơ phát sinh các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, qua đó giảm thiểu rủi ro xảy ra đại dịch ở người.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án triển khai ở cấp trung ương.

Share This Page