Ngôn ngữ

2020 - 2025 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: FHI 360 | NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 23.983.038 ĐÔ LA

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường không khí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao thứ 10 trên thế giới với tỷ lệ bao phủ điều trị thấp nhất ở khu vực châu Á. Mỗi năm, ước tính có 170.000 người mắc lao nhưng chưa đến 60% trong số này được điều trị. Dự án Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa nỗ lực đầy tham vọng là chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 thông qua công tác phát hiện, điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

MỞ RỘNG CÁC PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN MANG TÍNH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Với hỗ trợ của USAID, Chương trình Chống lao quốc gia của Việt Nam đã triển khai chiến lược chẩn đoán 2X hiệu quả cao trên toàn quốc. Chiến lược 2X kết hợp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (công nghệ xét nghiệm sinh học phân tử nhanh) giúp phát hiện nhiều ca nhiễm lao hơn và phát hiện sớm hơn ngay từ khi bệnh mới khởi phát. Việc phát hiện sớm giúp vừa ngăn ngừa lây lan vừa có thể cứu được tính mạng người bệnh. Dự án cũng cung cấp đào tạo, huấn luyện và giám sát cho nhân viên y tế sử dụng chiến lược 2X để tiếp tục nâng cao hiệu quả và phạm vi tiếp cận.

MỞ RỘNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ

Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị bệnh lao, Chính phủ Việt Nam đã quyết định mở rộng phạm vi Bảo hiểm Y tế và kế hoạch bảo hiểm y tế quốc gia để đưa vào các dịch vụ khám chữa bệnh lao. Dự án hỗ trợ Chương trình Chống lao quốc gia và Vụ Bảo hiểm Y tế xây dựng các văn bản pháp lý cần thiết để hướng dẫn tất cả các Tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh lao trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh lao do nguồn BHYT chi trả.

TÁC ĐỘNG

Năm 2020, USAID đã thí điểm chiến lược 2X tại bảy tỉnh, tiếp sau đó đã hỗ trợ Chương trình Chống lao quốc gia mở rộng chiến lược này trên toàn quốc. Vào tháng 7 năm 2022, Bảo hiểm Y tế bắt đầu chi trả mọi chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến bệnh lao cho bệnh nhân.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án hoạt động ở cấp quốc gia và tập trung làm việc với các nhân viên y tế tại 09 tỉnh, bao gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Tiền Giang.

Share This Page