Ngôn ngữ

2022 - 2027 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: CHEMONICS INTERNATIONAL INC. | NG N SÁCH DỰ TRÙ: 23.400.000 ĐÔ LA

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp. Cứ mỗi phút trôi qua, các đại dương của chúng ta phải hứng chịu lượng rác thải nhựa tương đương với một chiếc xe tải chở đầy rác. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này và tăng gấp ba vào năm 2040, đe dọa nặng nề đến các hệ sinh thái biển và các ngành công nghiệp như đánh cá và du lịch, an ninh lương thực và cuối cùng là sức khỏe con người trên toàn cầu. Một khi nhựa đã trôi ra đại dương, việc loại bỏ chúng sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) luôn chú trọng tới các hoạt động ngăn chặn rác thải nhựa xả thải ra môi trường tự nhiên. Dự án Giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam do USAID tài trợ có mục tiêu thúc đẩy sáng kiến toàn cầu Hãy cứu lấy đại dương của USAID nhằm giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Dự án cùng với chính quyền trung ương và địa phương, cộng đồng và khu vực tư nhân chung tay kiến tạo các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn có tính bao trùm nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại nguồn.

THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM MỞ RỘNG CỦA NHÀ SẢN XUẤT (EPR) 

Năm 2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ban hành quy định “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” (EPR) yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm về chi phí tiêu hủy sản phẩm đã qua sử dụng, theo đó chuyển gánh nặng kinh tế từ chính phủ sang nhà sản xuất. Các nhà sản xuất có thể tự thu hồi các sản phẩm thải bỏ hoặc đóng góp tài chính vào quỹ BVMT để hỗ trợ thu hồi và tái chế chất thải nhựa. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất hướng đến việc thiết kế các sản phẩm có ít tác động đến môi trường hơn.

Việt Nam đã đặt ra thời hạn thực hiện EPR bắt buộc khá tham vọng, cụ thể như thời hạn sớm nhất là vào tháng 01/2024 đối với ngành đóng gói bao bì. Dự án hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực thi quy định về EPR và huy động sự tham gia của các nhà sản xuất và xử lý chất thải để tạo thuận lợi cho việc nâng cao khả năng sẵn sàng, trình diễn thí điểm và mở rộng quy mô EPR, đặc biệt là trong phân loại, thu gom và tái chế chất thải nhựa.

GIỚI THIỆU CÁC MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN HIỆU QUẢ 

Quản lý chất thải rắn (CTR) bao gồm thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn. Việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiệu quả mạnh mẽ trên khắp cả nước đòi hỏi những nỗ lực khởi nguồn từ cấp địa phương do đang có quá nhiều mô hình thu gom rác thải chính thức và phi chính thức, mức độ phân loại tại nguồn thấp, hình thức xử lý rác thải còn mang tính hỗn hợp và sự thay đổi đáng kể trong các thực hành 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế). Dự án cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền tỉnh và giúp huy động tài chính để lập kế hoạch, cấp vốn và triển khai có hiệu quả các hệ thống quản lý CTR. Các mô hình quản lý CTR hiệu quả sẽ giảm tình trạng rò rỉ rác thải nhựa và tạo động lực cho hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt. Sau khi hệ thống quản lý CTR được thiết lập, dự án sẽ tạo điều kiện liên kết với các nhà đầu tư EPR, tài chính tư nhân và các cơ chế tài trợ khác.

TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN 

Đồ nhựa dùng một lần (chiếm khoảng 72% tổng lượng rác thải nhựa ở Việt Nam) là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra vấn nạn rác thải nhựa trên cả nước. Các mảnh vỡ của chúng xuất hiện tràn lan ở các con sông, vùng ven biển và cực kỳ có hại đối với các loài sinh vật biển. Dự án triển khai ở cấp địa phương nhằm tạo thuận lợi cho các kế hoạch, lộ trình và sáng kiến hành động tập thể nhằm giảm đồ nhựa dùng một lần và hướng mục tiêu tới các bên liên quan khác nhau, bao gồm giới trẻ và các khu vực kinh tế phi chính thức. Các hoạt động ban đầu nhắm vào những nơi có nhu cầu cao về đồ nhựa dùng một lần (túi nilon và đồ dùng bằng nhựa) như các chợ, lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, nhà hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống nhằm thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, trong đó có các giải pháp đơn giản như bán túi tái sử dụng.

TÁC ĐỘNG

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng và thực thi ít nhất 10 chính sách cấp quốc gia và cấp địa phương nhằm thúc đẩy giảm ô nhiễm chất thải nhựa và quản lý bền vững chất thải rắn đô thị. Dự án cũng dự kiến sẽ hỗ trợ thí điểm và nhân rộng ít nhất 7 mô hình giảm thiểu, thu gom, tái chế và xử lý chất thải cũng như ít nhất 5 kế hoạch hành động giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần ở cấp địa phương.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án triển khai ở cấp quốc gia và cấp địa phương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh ven biển sẽ được xác định sau.

 

Share This Page